Khi nhắc đến những sa mạc mênh mông, cát trắng phủ, tâm trí chúng ta lập tức hiện lên hình ảnh của những cây xương rồng kiên cường, mạnh mẽ chống chọi với điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt để tồn tại. Có lẽ chính sức sống phi thường ấy đã tạo một ấn tượng vô cùng đẹp đẽ của loài cây này trong mắt con người. Xương rồng từ đó trở thành một cây kiểng khá phổ biến, có vẻ ngoài độc đáo và những ý nghĩa tuyệt vời. Trong bài viết dưới đây, Monstera xin giới thiệu đến bạn cách chăm sóc cây xương rồng kiểng dành cho người mới bắt đầu. Chúc bạn thành công trong việc chinh phục loài cây đến từ sa mạc này!
Xương rồng kiểng có dễ chăm sóc không?
Như bạn đã biết, xương rồng vốn có xuất thân từ mảnh đất sa mạc bao la, hoang vu, đầy khắc nghiệt – nơi con người và động vật khó có thể sống sót. Chính vì thế, nó trở thành một trong những loài sinh vật bí ẩn nhất hành tinh với khả năng tồn tại trong thời gian dài dưới cái nắng như thiêu đốt của hoang mạc, savan mà không cần độ ẩm, chất dinh dưỡng, thậm chí xương rồng còn có thể nở hoa.
Có được điều này là nhờ các bộ phận trên xương rồng đã biến hóa để thích nghi với môi trường sống, chẳng hạn như thân cây mọng nước, lá biến thành gai,… Vậy nên, việc chăm sóc cây xương rồng kiểng cũng vô cùng dễ dàng, đơn giản, không tốn của bạn quá nhiều thời gian hay công sức. Chúng chắc chắn sẽ trở thành cây cảnh lý tưởng dành cho những con người bận rộn!
Bí quyết chăm sóc cây xương rồng kiểng trong chế độ tưới nước
Nhờ sống lâu ở môi trường sa mạc, xương rồng kiểng thích nghi tốt với môi trường khô hạn, khắc nghiệt nhưng cũng chính vì thế mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến chế độ tưới nước cho chúng. Bạn đừng nghĩ mình nên “bù đắp” lượng nước cho xương rồng hay tưới nhiều nước thì cây sẽ phát triển tốt hơn. Trên thực tế, xương rồng kiểng rất dễ bị úng, bạn chỉ nên tưới một lượng vừa phải cho cây mà thôi.
Ngược lại, dù sống tốt ở môi trường khô hạn, nóng bức nhưng đó là xương rồng trong tự nhiên, đối với xương rồng kiểng, bạn vẫn cần có chế độ tưới nước hợp lý, không nên để cây thiếu nước quá lâu, sẽ khiến chúng trở nên yếu ớt. Nước tưới cho cây cần có độ pH trung bình, thường là nước mưa hay nước máy, hạn chế việc sử dụng nước thải.
Chế độ tưới nước phụ thuộc nhiều vào yếu tố môi trường, thời tiết, loại chậu trồng và loại xương rồng. Bạn chỉ nên tưới nước khi cây có nhu cầu, cách kiểm tra đơn giản nhất là hãy quan sát đất trồng trong chậu. Bao giờ đất khô hẳn rồi mới tưới. Lượng nước tưới cho mỗi lần cũng nên căn chừng vừa đủ cho nước ngấm tới rễ cây, khoảng 3/4 chậu trồng.
Nếu trồng xương rồng tại nơi có nhiệt độ cao như: Ban công, sân thượng, đặc biệt ở những căn nhà hướng Tây,…có thể tưới 2-3 lần/tuần trong điều kiện không mưa. Mặt khác, chỉ tưới 1 lần/ tuần hoặc ít hơn khi để xương rồng ở nơi có nhiệt độ thấp hơn như cửa sổ hay bàn làm việc.
Lúc mới mua xương rồng về, bạn không nên ngay lập tức tưới nước cho nó, hãy chờ 3 ngày sau khi cây đã thích nghi với chậu trồng, môi trường mới. Lưu ý, vào mùa mưa, bạn nên đem xương rồng kiểng vào nhà, tránh việc cây dầm mưa quá lâu.
Điều kiện ánh sáng và không khí cần thiết để chăm sóc cây xương rồng kiểng
Cây thân mọng nói chung và xương rồng nói riêng rất ưa sáng, đặc biệt là ánh sáng trực tiếp từ mặt trời vào mỗi buổi sáng. Để tạo điều kiện tốt nhất cho cây phát triển, bạn cần cung cấp ít nhất 50% lượng ánh sáng mặt trời trực tiếp mỗi ngày, tương đương cần đem cây ra phơi nắng 6 giờ/ngày.
Đối với hạt mới nảy mầm hoặc mới ươm, cây xương rồng con thì điều kiện ánh sáng cũng cần thay đổi cho thích hợp. Ngược lại với những cây trưởng thành, chúng cần tránh ánh sáng trực tiếp, mỗi ngày chỉ nên phơi nắng buổi sáng khoảng 1-2 giờ là đủ.
Việc phơi nắng xương rồng kiểng cần được thực hiện đều đặn, thường xuyên, tốt nhất là mỗi ngày. Bởi lẽ, nếu lâu lâu bạn mới cao hứng đem chúng từ trong nhà ra phơi trực tiếp đến 6 tiếng đồng hồ thì có thể dẫn tới hiện tượng cháy da cây, gây ra những nám vàng nâu hoặc đen trên thân.
Vốn sống ở điều kiện không khí thoáng đãng, mênh mông ở hoang mạc, savan, vậy nên xương rồng kiểng không thích những không gian chật hẹp, bí bách. Bạn nên trồng chúng ở gần cửa sổ, ban công hay trên sân thượng. Nếu trồng trong nhà hay trong phòng thì cần thường xuyên mở cửa đón gió hoặc sử dụng quạt thông gió.
Nhiệt độ cây xương rồng kiểng yêu thích
Trong tự nhiên sa mạc hoang dã, cây xương rồng có thể tồn tại, chịu đựng trong nền nhiệt cao, thay đổi liên tục giữa ngày và đêm, chừng 10°C – 50°C. Tuy nhiên, khi đem chúng về trồng nội thất thì bạn nên tạo điều kiện nhiệt độ thích hợp để cây phát triển, rơi vào khoảng 15°C – 28°C. Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể làm cho cây ngừng phát triển và suy yếu.
Chế độ bón phân, cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cây
Dù trong tự nhiên, xương rồng có thể sống ở những vùng đất khô cằn, sỏi đá, nghèo chất dinh dưỡng, thế nhưng để tạo nên một cây cảnh đẹp, mọng nước, phát triển tốt thì bạn cũng cần cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho nó.
Trong mùa phát triển, cây xương rồng đều cần chất đạm để giúp sự tăng trưởng thân, chất potassium cho sự phát triển của hoa và trái, cùng với đó là chất phosphorus cho sự phát triển bộ rễ. Ngoài ra, cây cũng yêu cầu một số chất vi lượng khác.
Để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho xương rồng kiểng, loại phân bón lý tưởng nhất mà bạn nên sử dụng là NPK.
Xem thêm: Top 5 cây lọc không khí ban đêm tốt nhất mà bạn nên sở hữu!
Top 5 cây cảnh chịu nắng hướng Tây bạn nên trồng