Kỹ thuật bón phân cho cây cảnh trong nhà là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định trực tiếp đến sự phát triển của cây. Nếu được chăm sóc đúng cách, bón phân đúng thời điểm, liều lượng chuẩn thì cây cảnh sẽ luôn tươi tốt, bắt mắt, đẹp màu và ra hoa, lá sum suê hơn, đáp ứng nhu cầu về thẩm mỹ, phong thủy cho gia chủ. Ngược lại, nếu không bón phân hoặc tiến hành sai cách thì sẽ khiến cây chậm phát triển, thậm chí cháy rễ, gây chết cây.
Một số quy tắc cần lưu ý khi bón phân cho cây cảnh trong nhà
Quy tắc 1: Chia nhỏ lần bón với hàm lượng ít hơn
Dù biết rằng lượng khuyến nghị như trên bao bì đã chuẩn chỉnh, tuy nhiên không có quy định nào yêu cầu bắt buộc người trồng phải sử dụng đúng lượng theo hướng dẫn. Bởi lẽ, khi cây cảnh nhà bạn tiếp xúc với một loại phân bón mới, bạn cần cho chúng thời gian để làm quen dần sau đó thích ứng, tránh làm ảnh hưởng tới sự phát triển của cây hoặc gây ra những tình huống rủi ro không đáng có. Bạn cần bón với một hàm lượng ít hơn, chia ra thành nhiều lần bón.
Liều lượng trên bao bì các loại phân bón thường đại diện cho lượng phân bón lớn nhất mà cây trưởng thành, khỏe mạnh, được phát triển trong điều kiện lý tưởng có thể chịu đựng. Tuy nhiên, đối với kỹ thuật bón phân cho cây cảnh trong nhà, bạn cần lưu ý quy tắc chia nhỏ lần bón với hàm lượng ít, chỉ bằng khoảng 1/2 lượng khuyến nghị trên bao bì rồi quan sát, theo dõi phản ứng của cây. Bởi lẽ, cây cảnh trong nhà luôn đòi hỏi lượng phân bón thấp hơn bình thường.
Chúng không thể hấp thụ được một lúc lượng phân bón quá lớn, môi trường trong nhà thường không có đủ ánh sáng và độ ẩm cho cây tổng hợp phân bón một cách nhanh chóng. Do đó, lượng phân bón dư trong đất sẽ tích tụ thành muối, tác động xấu tới sự phát triển của cây.
Quy tắc 2: Bón phân khi cây yếu hay bị bệnh?
Nhiều người trồng cây vẫn thường mắc phải một sai lầm trong kỹ thuật bón phân cho cây cảnh trong nhà chính là dùng phân bón lúc cây đang bị yếu, bị bệnh, thậm chí biến dạng do côn trùng chích hút hoặc nấm gây hại; bị sốc do di chuyển và có thiệt hại tới rễ. Tuy nhiên, đây là những thời điểm mà bạn không nên bón phân cho cây cảnh trong nhà.
Bạn cần thực hiện các thao tác “cứu” cây như cắt tỉa bớt các cành hỏng, cân đối lại chế độ tưới nước,… trước. Đợi đến khi lá mới khỏe mạnh xuất hiện hoặc cây xuất hiện dấu hiệu phục hồi rõ rệt thì mới tiến hành bón phân để nuôi cây.
Quy tắc 3: Mỗi loại cây cảnh có một kỹ thuật bón phân khác nhau
Hầu hết các loại cây cây cảnh trong nhà đều cần được bón phân để cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển, tuy nhiên không phải loại cây nào cũng có kỹ thuật bón phân giống nhau. Mỗi loại cây cảnh sẽ cần một lượng phân bón khác nhau, tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng của nó.
Thông thường, cây ở thời kỳ ra hoa và tạo quả đòi hỏi lượng phân bón nhiều hơn các giai đoạn khác. Bạn cần chú ý tới giai đoạn phát triển của cây cũng như loại cây trồng để cân đối hơn trong việc bón phân cây cảnh, tạo điều kiện tốt nhất cho cây phát triển.
Hướng dẫn 3 kỹ thuật bón phân cho cây cảnh trong nhà
Bón phân cho cây cảnh trong nhà có nhiều cách, tuy nhiên phổ biến và dễ thực hiện nhất gồm có 3 phương pháp: bón bề mặt, bón cho đất và phun lá. Dưới đây, Monstera sẽ có hướng dẫn chi tiết dành cho mỗi phương pháp để bạn dễ dàng hơn trong công việc chăm sóc các cây cảnh nhà mình!.
Kỹ thuật bón bề mặt
Đối với kỹ thuật bón phân cho cây cảnh trong nhà này, bạn nên sử dụng phân đạm hoặc phân mùn để đạt được hiệu quả tốt nhất. Cách thực hiện cũng vô cùng đơn giản, không cần đến dụng cụ chuyên dụng hay kỹ thuật cao siêu nào, bạn chỉ cần dùng tay rắc đều phân lên trên bề mặt đất ở quanh gốc cây cảnh để các chất dinh dưỡng phân bố đều vào đất. Sau đó, bạn sử dụng thêm một lớp đất mịn, tơi xốp để phủ mỏng lên mặt đất vừa bón phân.
Trong trường hợp không có đất sẵn, bạn cũng có thể xới nhẹ lớp đất bề mặt trong chậu cây rồi mới rải đều lượng phân cần bón lên. Cuối cùng, tiến hành trộn nhẹ phân bón vào lớp đất bề mặt được xới để phân nhanh chóng cung cấp dinh dưỡng cho đất trồng.
Kỹ thuật bón phân cho đất
Có thể nói, đối với những loại phân hòa tan như kali và photpho (lân) có trong phân tổng hợp NPK hay phân mùn, hữu cơ tan chậm thì đây là cách bón phù hợp và hiệu quả nhất. Đầu tiên, bạn cần tiến hành đục một vài lỗ nhỏ xuống đất xung quanh chậu cây cảnh. Sau đó, đổ phân lần lượt vào các lỗ ấy rồi dùng đất lấp lại. Như vậy là bạn đã hoàn thành việc bón phân cho đất trồng cây cảnh!
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý chỉ nên bón một lượng phân vừa đủ và nhớ tưới nước cho chúng liền sau khi bón để phân nhanh chóng hòa tan vào trong đất, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây cảnh.
Kỹ thuật phun lá
Kỹ thuật bón phân cho cây cảnh trong nhà này sẽ phù hợp với những cây cảnh còn nhỏ, trong độ phát triển. Bạn chỉ cần tiến hành pha phân NPK với nước sạch hoặc sử dụng trực tiếp phân dạng lỏng để phun lên lá cây bằng bình phun. Phương pháp này tuy đơn giản nhưng cũng cần người trồng đảm bảo được đúng tỉ lệ phân bón và nước cũng như lượng phân lỏng để phát huy tối đa tác dụng, hiệu quả cho cây cảnh.
Việc trộn quá ít phân NPK sẽ dẫn đến việc cung cấp không đủ dinh dưỡng cho cây, tuy nhiên nếu quá nhiều sẽ gây tác dụng ngược làm cháy lá, hỏng cây, tương tự với phân dạng lỏng.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý tưới đều lên các tán lá để cây có thể hấp thụ đủ dinh dưỡng cần thiết phục vụ việc nuôi cây thông qua bộ lá.
Xem thêm: Phân bón cho cây cảnh trong nhà
Nhà kính mini trồng rau sạch trên sân thượng đơn giản, đẹp