Cây xương rồng kiểng được biết đến với vẻ ngoài gai góc, xù xì, là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, vươn lên trong nghịch cảnh khắc nghiệt. Chúng không chỉ sống trên hoang mạc, savan mà giờ đây đã trở thành một phần của những không gian xanh thu nhỏ trong các hộ gia đình.
Ngoài sắc xanh thẫm căng mọng của thân cây, xương rồng còn nở hoa rất đẹp, dễ trồng, dễ chăm sóc nên việc trở thành loài cây cảnh phổ biến là điều đương nhiên. Trong bài viết dưới đây, Monstera sẽ giới thiệu đến bạn top 5 cây xương rồng kiểng đẹp và dễ trồng nhất hiện nay để giúp bạn làm mới khu vườn nhà mình!
Cây xương rồng kiểng tai thỏ
Cây xương rồng kiểng tai thỏ với lợi thế bề ngoài độc đáo đồng thời sở hữu rất nhiều giá trị hữu ích nên ngày càng được ưa chuộng và trồng ở nhiều không gian nội thất. Chúng có tên khoa học là Opuntia microdasys, có nguồn gốc từ phía Bắc và trung tâm của đất nước Mexico. Ngoài cái tên đáng yêu, khắc họa vẻ ngoài chân thực là xương rồng tai thỏ, loài cây này còn thường được gọi với nhiều cái tên khác như xương rồng bà, xương rồng bạ.
Trên thực tế, cây xương rồng kiểng tai thỏ và xương rồng Nopal thường bị nhiều người nhầm lẫn vì chúng có hình dáng khá giống nhau.
Cây xương rồng tai thỏ không chỉ có một thân cây thẳng đứng duy nhất. Chúng chia ra thành nhiều phiến có dạng hình oval độc đáo với nhiều gai nhỏ màu vàng hoặc trắng xếp thành hàng bao phủ toàn cây. Với đặc tính ưa nắng, chịu khô hạn tốt, bạn không cần tốn quá nhiều thời gian để chăm sóc cho chúng, chỉ cần đặt cây tại khu vực thoáng mát, có nắng và tưới nước khi đất trong chậu đã khô.
Vì loài xương rồng kiểng này phát triển khá nhanh nên bạn cần chọn kích thước chậu lớn gấp đôi cây. Không chỉ có vẻ ngoài đáng yêu đến từ hình dạng thân, xương rồng tai thỏ cò có thể ra hoa đỏ hoặc vàng. Với vẻ ngoài độc đáo, chúng vừa là vật trang trí độc đáo trong không gian nội thất, vừa có thể trở thành quà tặng cho bạn bè, gia đình thân yêu của bạn.
Cây xương rồng kiểng hồng ngọc
Nếu bạn đang tìm kiếm một loại cây xương rồng kiểng đa màu sắc, vậy thì xương rồng hồng ngọc sẽ là lựa chọn vô cùng lý tưởng. Không chỉ thu hút với màu xanh lá đậm của thân trụ, loài cây này còn sở hữu phần đỉnh tròn dạng khía có gai nhỏ cùng nhiều màu sắc rực rỡ khiến người ta liên tưởng đến một bông hoa thay vì một loài cây vốn sống ở hoang mạc khô hạn, hiu quạnh.
Để tăng thêm phần độc đáo cho cây, bạn hoàn toàn có thể ghép cây với những giống xương rồng thân trụ khác một cách dễ dàng để tạo ra cây mới. Xương rồng hồng ngọc là loài ưa sáng và chịu hạn tương đối tốt, vậy nên trong quá trình chăm sóc, bạn cần lưu ý không nên tưới quá nhiều nước vì sẽ dễ gây úng rễ. Với vẻ ngoài độc đáo và bản chất “dễ tính” như thế này, xương rồng hồng ngọc đã xứng đáng trở thành một thành viên trong khu vườn nhà bạn hay chưa?
Cây xương rồng bóng vàng
Là một trong những cây xương rồng kiểng có vẻ ngoài độc đáo, không dễ bị nhầm lẫn nhất, xương rồng bóng vàng hay còn gọi là kim hổ sở hữu phần thân tròn thay vì cao thẳng như nhiều loài khác. Gai của chúng dày, cứng và có màu vàng nổi bật lên, đặc biệt những chiếc gai còn tạo thành một “nhụy hoa” ở chính giữa thân cây. Ở điều kiện chăm sóc lý tưởng, cây có thể phát triển chiều rộng rất tốt, thuộc giống cây có kích thước trung bình.
Về chăm sóc, xương rồng bóng vàng cần nhiều ánh sáng mặt trời khi trưởng thành, ngược lại, bạn nên đặt chúng tại vị trí có nhiều bóng râm khi chúng còn nhỏ. Đặc biệt, cây thường ra hoa vào thời điểm từ tháng 6 đến tháng 10, hoa mọc trên đỉnh cây và có màu vàng rực rỡ. Ngoài ra, xương rồng bóng vàng có khả năng chịu hạn tốt nên bạn chỉ cần tưới nước vừa phải, tránh gây úng rễ.
Cây xương rồng kiểng bông gòn
Không phải ngẫu nhiên mà loài xương rồng này lại có cái tên đặc biệt, khác lạ và “vô lý” như vậy. Bởi lẽ, thông thường xương rồng sẽ có vẻ ngoài gai góc, xù xì, trong khi xương rồng bông gòn lại nổi bật với dạng thân tròn, gai mềm tựa như những đám lông màu trắng bao phủ toàn bộ thân. Do đó, khi chạm vào cây, thay vì bị chảy máu hay có cảm giác đau đớn, bạn sẽ cảm nhận được độ mềm mại như bông gòn của nó.
Dưới điều kiện được tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng mặt trời trực tiếp, cây dễ ra hoa nhỏ màu trắng với hương thơm nhẹ. Ở điều kiện môi trường lý tưởng, chúng có thể đạt chiều cao đến 10 cm và phát triển thêm nhiều mầm nhỏ xung quanh thân chính. Có một lưu ý đặc biệt khi chăm sóc cây, khi tưới nước, bạn chỉ nên tưới trực tiếp lên đất, đừng để nước tiếp xúc với gai.
Cây xương rồng chuối
Cây xương rồng Pineapple quen thuộc với tên gọi “thuần Việt” là xương rồng nải chuối. Bởi lẽ hình dạng của cây có nhiều nhánh nhỏ, thon dài khiến người ta lập tức liên tưởng đến những quả chuối. Bạn có thể lựa chọn một trong hai màu xanh và vàng theo sở thích cá nhân. Cho dù gai xương rồng chỉ ở phần đầu nhánh nhưng khá dài và tương đối cứng, cần cẩn thận khi chăm sóc nếu bạn không muốn làm bản thân bị thương.
Bạn nên trồng cây xương rồng chuối ở những nơi thoáng mát, nhiều nắng, tránh mưa tuyệt đối và chỉ tưới cây khi đất đã khô hoàn toàn, đặc biệt không tưới vào thân. Ngoài ra, loài này cũng không quá ưa nắng, nên bạn chỉ cần phơi nắng trực tiếp 3-4 tiếng mỗi ngày thôi nhé!.
Xem thêm: Cách chăm sóc cây xương rồng kiểng cho người mới bắt đầu